Lượt xem: 1341

Sóc Trăng phát triển vùng trồng nhãn đáp ứng điều kiện xuất khẩu

Diện tích trồng nhãn tại tỉnh Sóc Trăng là hơn 3.000 ha, cây nhãn phát triển với nhiều giống khác nhau, phân bố đều ở các địa phương như: Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Thế nhưng, quy trình canh tác chưa đồng bộ, chưa xác định được giống nhãn chủ lực để phát triển... là những nguyên nhân khiến trái nhãn Sóc Trăng chỉ mãi loay hoay tiêu thụ trên thị trường nội địa. Từ thực tế này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tổ chức lại sản xuất để hình thành vùng trồng nhãn đáp ứng tốt điều kiện xuất khẩu, nhằm khai thác tối đa giá trị kinh tế từ cây trồng này.

 


Tham quan vùng trồng thanh nhãn tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách.

 

    Ngoài nông sản chủ lực là củ hành tím, vùng đất giồng cát thuộc quê biển Vĩnh Châu còn được biết đến là đồng đất phù hợp để phát triển giống nhãn xuồng cơm vàng. Hiện nay, diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng tại thị xã phát triển được 292 ha, cây thường cho trái từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Trung bình 1 hecta trồng nhãn  sẽ cho sản lượng gần 10 tấn trái. Năng suất trái dù cao, nhưng giá thành luôn phải chịu sự chi phối bởi tác động cung – cầu từ thị trường. Từ bất cập này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh đã định hướng người trồng chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm cùng chủng loại, thay vì thiên về mở rộng diện tích.

    Theo đó, người trồng nhãn được tập huấn quy trình canh tác nhãn theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cây phát triển tốt và cho trái chất lượng hơn. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng theo hướng hữu cơ tại thị xã Vĩnh Châu với diện tích thí điểm là 5 ha. Từ quy trình canh tác đồng nhất, nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu sẽ có giá bán ổn định hơn, từng bước đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nhãn Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu - Đinh Hoàng Vũ cho biết: “Năm 2020, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh đã hỗ trợ 70% kinh phí để đầu tư cho HTX thiết bị tưới phun tự động trên diện tích 10 ha. Sau đó, Hội Nông dân tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ bà con vay vốn để lắp đặt hệ thống tưới phun ở những diện tích còn lại. Thiết bị này rất hiệu quả, rất tiện cho bà con trong chăm sóc, quản lý. Muốn phun thuốc hay bón phân cho cây trồng cũng có thể sử dụng hệ thống này để phun, giúp tiết kiệm được thời gian, công lao động, mà quản lý sâu bệnh cũng rất tốt”.

    Nếu như nhiều năm trước, nhãn da bò được xem là giống nhãn chủ lực của vùng miệt vườn Kế Sách, thì theo thời gian, sự bấp bênh về giá cùng tình trạng sâu bệnh, khiến nhiều nhà vườn không còn mặn mà trong việc phát triển diện tích. Từ thực trạng này, thanh nhãn trở thành cây trồng được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh định hướng cho bà con thực hiện chuyển đổi. So với các giống khác, thanh nhãn cho trái to, cơm dày, vị ngọt thanh nên giá bán trên thị trường luôn có phần cao hơn từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Đến nay, diện tích trồng thanh nhãn tại Kế Sách đã phát triển được 81,6 hecta. Nông dân trồng thanh nhãn hiện cũng đã được chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ để chất lượng trái luôn đạt tốt nhất. Đầu tháng 8 năm nay, thanh nhãn của Kế Sách cũng đã được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ánh Dương Sao liên kết tiêu thụ, xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Úc và Hoa Kỳ với sản lượng 1,2 tấn. Bà Đoàn Thị Tuyết Mai, nhà vườn ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách cho biết thêm: “Lúc trước chủ yếu tôi trồng nhãn da bò. Được một thời gian thấy bị bệnh chổi rồng nhiều quá, làm ảnh hưởng đến năng suất rồi giá bán cũng không được cao. Được bên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng nên tôi chuyển qua trồng thanh nhãn. Giờ mới chuyển được 20 công, sắp tới chuyển thêm 10 công nữa. Nhãn này có giá bán ổn định mà năng suất cho trái cũng đạt hơn nên rất yên tâm”.

    Để trái nhãn của Sóc Trăng đủ tiêu chuẩn “nhập cuộc” vào thị trường ngoài nước, bên cạnh khuyến khích người trồng nhân rộng các mô hình canh tác an toàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng đang tích cực phối hợp với lãnh đạo địa phương cùng các hợp tác xã đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng nhãn tại tỉnh. Đồng thời, chủ động tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, từng bước đưa nhãn trở thành sản phẩm trái cây tiếp theo của Sóc Trăng xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững với các công ty, doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thành Phước – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Đối với các giống nhãn có khả năng tiêu thụ ở các thị trường khó tính, chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp xuống các hợp tác xã để tuyên truyền, vận động, phổ biến một số kiến thức để bà con nông dân có được một tư thế nhập cuộc thật tốt từ việc bón phân gì, xịt thuốc ra sao để đảm bảo chất lượng sản phẩm được an toàn.  Từ đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước, quan trọng là có thể tiến đến xuất khẩu”.

    Tuy sản lượng xuất khẩu nhãn hiện tại của tỉnh Sóc Trăng là chưa cao so với diện tích gieo trồng, nhưng lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính là một tín hiệu đáng mừng để nhà vườn trồng nhãn thay đổi từ ý thức canh tác đến tư duy làm kinh tế trong nông nghiệp. Góp phần cùng địa phương nâng tầm giá trị cho cây nhãn, để sau vú sữa tím và bưởi da xanh, “trái nhãn” sẽ thật sự mang đến “vị ngọt” cho người nông dân Sóc Trăng khi tránh được sự may rủi về giá bán trước áp lực cung – cầu tại thị trường nội địa.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 8302
  • Trong tuần: 79,009
  • Tất cả: 11,802,329